Bối cảnh Trận_Soor_(1745)

Năm 1740, vua Phổ Friedrich II khởi 2,7 vạn binh đánh Schlesien, một vùng đất giàu có của Đại Công quốc Áo. Năm 1741, đại quân Áo từ Mähren đến đánh, bị Friedrich phá tan trong trận Mollwitz. Năm 1742, Friedrich lại thắng trận Chotusitz, Áo đành ký hòa ước Breslau trao Schlesien cho Phổ. Đến nam 1744, đại công nương Áo Maria Theresia liên minh với Sachsen hòng chiếm lại Schlesien, mở ra chiến tranh Schlesien lần thứ hai.[4][5] Tháng 6 năm 1745, liên quân Áo-Sachsen do thống chế Karl Alexander chỉ huy đánh Schlesien nhưng bị Friedrich II giáng cho thảm bại trong trận Hohenfriedberg. Tuy nhiên, sau chiến thắng Hohenfriedberg, Friedrich không truy kích và nhờ vậy liên quân đã rút lui an toàn về vùng Böhmen (Áo).[6][7] Tại đây lực lượng liên minh đã dần dần chấn chỉnh đội ngũ và xây dựng phòng tuyến từ sau lưng sông Adler tới thị trấn Königgrätz.[7]

Giữa tháng 7 năm 1745, sau vài tuần án binh bất động, Friedrich kéo quân đánh vùng đông bắc Böhmen nhằm phá hủy các căn cứ tiếp vận và đạn dược của liên quân, khiến Karl không thể tấn công Schlesien một lần nữa. Quân Phổ ban đầu tiến sâu tới thượng lưu sông Elbe mà không gặp sự chống cự nào.[7] Ngày 20 tháng 7, quân đội Phổ vượt sang bờ tây sông Elbe và từ đây, họ có thể nhìn thấy trận địa phòng thủ của Áo. Tuy nhiên, quân hai bên đều chủ trương tránh giao chiến lớn. Mặt khác, Karl cho các đơn vị khinh kỵ tích cực đánh phá các tuyến liên lạc của địch và ngăn chặn quân khinh kỵ Phổ cướp lương thảo của Áo[7].[6] Thấy cục diện không ổn, quân Phổ lùi về bờ đông sông Elbe và bắt đầu rút lui tới Schlesien vào ngày 18 tháng 9.[7]

Khi đến gần biên giới Schlesien, Friedrich cho quân nghỉ chân vài ngày gần thị trấn Burkersdorf ven bìa rừng Königreich; ông ta phòng bị doanh trại một cách lỏng lẻo vì nghĩ rằng địch chỉ cho khinh kỵ binh quấy nhiễu. Trên thực tế, người Áo vừa cử quân khinh kỵ đánh tiêu hao kỵ binh Phổ, vừa tiến hành thăm dò khả năng tấn công đánh bại quân chủ lực địch. Ngày 24 tháng 9, Karl quan sát thấy Friedrich quên chiếm lĩnh Graner-Koppe – một ngọn đồi lớn nằm trên hướng tây bắc doanh trại Phổ và khống chế vùng đồng trống phía bắc và phía nam. Tuyến đường mà Friedrich đã chọn làm đường rút quân về Schlesien cũng không nằm ngoài phạm vi khống chế của đồi này. Do vậy, Karl quyết định tiến quân vòng qua sườn địch dưới sự che chở của rừng Königreich, sau đó chiếm cứ đồi Graner-Koppe rồi đột kích vào sườn phải và tiêu diệt quân Phổ.[6][7][8]

Ngày 29 tháng 9, Karl dẫn 4 vạn quân Áo-Sachsen di chuyển qua vùng rừng Königreich.[9] Cuộc hành quân diễn ra thuận lợi và đến đêm hôm đấy, liên quân Áo-Sachsen đã tiếp cận đồi Graner-Koppe. Karl dàn trải quân trung tâm và cánh phải liên minh trên hướng nam Graner-Koppe, đồng thời tập trung một lực lượng tinh nhuệ của cánh trái gồm 10 tiểu đoàn hỏa mai, 15 tiểu đoàn xung kích, 30 khối thiết kỵ và long kỵ binh, 15 đại đội cacbin và bộ binh cưỡi ngựa, cùng 16 đại pháo trên đỉnh đồi. Karl cũng bố trí 45 khối kỵ binh cánh trái chốt giữ canh giữ hướng bắc đồi Graner-Koppe. Trong khi đó, do tự tin rằng liên quân sẽ không tấn công, Friedrich đã cho một số đơn vị rút trước vào Trautenau vào sáng ngày 30 tháng 9; quyết định này cùng với tổn thất do thương vong, bệnh tật và đào ngũ trong tháng 7 – 9 đã làm quân chủ lực Phổ chỉ còn 22 nghìn người.[9][6] Quân Phổ cũng gặp khó khăn do không quen thuộc với địa hình nơi đóng quân. Tuy nhiên, sương mù dày đặc cùng với các sai sót trong việc triển khai lực lượng đã ngăn cản quân liên minh tấn công vào rạng đông ngày 30 tháng 9.[9]

Liên quan